“TƯ DUY HỌC HỎI”

“TƯ DUY HỌC HỎI”

Học, học nữa, học mãi…

— Lenin —

Câu nói nổi tiếng này chúng ta đã quen thuộc từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân tôi rất thích câu nói này, nhưng thú thật là, tôi chỉ thực sự hiểu và “thấm” câu nói này khi tôi bắt đầu rèn luyện thói quen đọc sách hằng ngày. Càng đọc, tôi càng thấy mình biết ít, muốn đọc nhiều hơn và muốn tìm hiểu nhiều hơn.

Tại sao tư duy học hỏi là tư duy đầu tiên cần phải có?

Bạn có đồng ý với câu nói “có một điều chắc chắn là không có gì là chắc chắn cả” không? Trong thời đại ngày nay, mọi thứ luôn thay đổi không ngừng, thị trường ngày càng biến động, công nghệ phát triển chóng mặt, môi trường sống cũng đang dần thay đổi, đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều, nhu cầu của mọi người cũng thay đổi liên tục. Tốc độ thay đổi của thời nay khác xưa rất nhiều. Khoảng 2 thập kỷ trước, liệu có ai nghĩ những tượng đài công nghệ như Nokia hay Yahoo lại suy thoái và có kết cục như ngày nay không? Hay Google – từng bị Yahoo từ chối mua lại – giờ đã trở nên lớn mạnh đến dường nào. 

Trong một thế giới không chắc chắn và biến đổi liên tục như vậy, một người cho dù giỏi đến đâu, nếu không duy trì “sự học” thì cũng sẽ bị lạc hậu. Thuật ngữ phổ biến để mô tả về thế giới ngày nay là VUCA, mô tả về thế giới “đa cực” với 4 yếu tố: Biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity), và mơ hồ (Ambiguity), thể hiện hết những gì bạn đang thấy trong cuộc sống này. Và đó là lý do tất cả chúng ta cần có “tư duy học hỏi”.

Tư duy học hỏi là tư duy đầu tiên mà bạn cần có. Đây là tư duy căn bản, không chỉ cần thiết cho những người làm quản lý dự án mà là cần thiết cho tất cả mọi người, tất cả mọi công việc, mọi ngành nghề. Nó là căn bản và cần thiết đến mức tôi coi là tư duy đầu tiên và điều bắt buộc phải có đối với tất cả mọi người.

Có phải học xong đại học, đi làm rồi là hết tuổi phải học, và thoát khỏi việc học rồi không?

Câu trả lời của tôi là “không”. Nếu bạn nghĩ học xong đại học là không cần học nữa là hoàn toàn sai lầm. Thú thật, bản thân tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Sau khi học xong đại học, tôi thỉnh thoảng có đọc sách và học chuyên môn, nhưng chưa ý thức được phải duy trì việc hỏi hỏi liên tục, “sự học là cả đời”. Sau đó tôi nhận ra rằng, mình đã thật sai lầm khi để cho sự học đứt quãng, phí hoài mất mấy năm. Cảm giác tiếc nuối và có phần hối hận đã xuất hiện trong tâm trí của tôi. Bởi vậy, tôi muốn lưu ý với các bạn rằng: “đừng bao giờ ngừng học hỏi,  hãy duy trì học hỏi cả đời“.

Để minh hoạ rõ hơn, chúng ta hãy cùng xem một ví dụ trong thực tế đó chính là dịch COVID-19. Dịch bệnh đã làm thay đổi cuộc sống, xã hội và rất nhiều thứ khác, trong đó có việc các thầy cô giáo và các em học sinh đã phải chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Nhưng có một sự thật đáng buồn là có một số thầy cô và phụ huynh không biết dùng máy vi tính dẫn tới thầy cô thì không thể dạy, phụ huynh không thể hướng dẫn con em mình tham gia vào lớp. Và người thiệt thòi nhất là những em học sinh. Tôi nghe nói một số em học sinh đã không được học trong một thời gian dài của dịch bệnh vì những lý do như vậy. Đó quả thực là một sự thật đáng buồn.

Loại bỏ tư duy cố hữu

Hồi mới đi làm, tôi nghe mấy anh quản lý dự án ngày xưa thường hay nói với khách hàng: “cái này tôi biết”, “cái này tôi nắm rõ”, “cái này tôi có nhiều kinh nghiệm” và “hãy làm theo cách của tôi”. Đó là tư duy của PM đời cổ, giống như tư duy cố hữu “cái gì mình cũng biết”. Sau đó ảo tưởng về khả năng của mình. Thật ra hồi đầu làm quản lý tôi cũng có tư tưởng và hay nói với khách hàng như vậy. Sau này tôi nhận ra hoàn toàn sai lầm. Nó cũng giống như việc không phải phát triển dự án là phải làm tuần tự đúng như mô hình Waterfall (Một mô hình phát triển phần mềm). Mình không nhất thiết phải như vậy, bạn không thể biết hết mọi thứ, thời đại ngày nay không nên cứng nhắc như vậy. Mọi thứ đều có thể thay đổi, bạn có thể làm chuyên gia quản lý dự án ngày xưa, nhưng chưa chắc bạn đã quản lý tốt thời nay. 

Thời nay, tư duy cố hữu không còn phù hợp nữa, mà thay vào đó cần tư duy linh hoạt và tư duy phát triển đó là GROWTH MINDSET. Growth mindset là tư duy phát triển, là những người tin rằng mọi người có thể phát triển khả năng và tài năng của bản thân thông qua quá trình rèn luyện và học hỏi. Điều đó là rất cần thiết nó giúp cho chúng ta có ý thức để rèn luyện, học hỏi và phát triển liên tục. Để làm được điều đó bạn phải “duy trì sự học cả đời”.

Không phải tất cả những người ham học đều là lãnh đạo, 

nhưng tất cả những nhà lãnh đạo vĩ đại là đều ham học”. 

Bạn không thể thực sự đạt được mục tiêu nếu bạn không học hoặc dành thời gian để phát triển bản thân mình. Tôi nghĩ những câu chuyện về Bill Gate và Warren Buffett sẽ làm động lực để tăng động lực phát triển tư duy học hỏi cho bạn. Có thể học hỏi thông qua rất nhiều hình thức khác nhau, trong đó đọc sách là một phương pháp hiệu quả. Bill Gate khuyên lớp trẻ nên đọc sách hằng ngày, ông đọc 50 cuốn sách mỗi năm. Ngay cả bây giờ, ông đã lui về hậu trường nhưng vẫn đọc sách hằng ngày. Hay Warren Buffett cũng luôn các bạn trẻ là “Hãy đọc sách mỗi ngày, đó là cách tri thức vận động, chúng tích lũy như thể lãi kép vậy!”. Hiện tại dù hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn làm như vậy. Nếu mà kể tên các doanh nhân khác, sẽ rất nhiều, không thể kể hết trong cuốn sách này được. Nhưng chừng đó cũng đủ để chúng ta hiểu tầm quan trọng của tư duy học hỏi.

Học quản lý dự án.

Từ lý thuyết đến thực tiễn khác nhau rất nhiều, nếu có tinh thần ham học hỏi tôi nghĩ bạn sẽ thành công. Học liên tục và thường xuyên nâng cấp bản thân thì bạn sẽ không bị trở nên lạc hậu. Trong quản lý dự án, chúng ta không chỉ học kiến thức về quản lý dự án, mà còn cần học tư duy quản lý dự án, nguyên tắc quản lý dự án, kỹ năng quản lý dự án, học các công cụ quản lý dự án. Và để ý xung quanh để học từ những người xung quanh. Tích cực đi hỏi, và học các bài học quản lý của các dự án thành công, tránh những sai lầm họ đã mắc phải. Áp dụng những thứ học được thì ít nhiều bạn sẽ đạt được kết quả tích cực trong việc quản lý dự án của bạn. Nếu có các seminar hoặc các khoá học về quản lý dự án, bạn có thể được tham gia, hãy tích cực để tham gia.

Và đặc biệt là nếu bạn sáng tạo ra cách làm mới và hướng dẫn được cho người khác được nữa thì đó là một đẳng cấp vô cùng tuyệt vời. Đó là đẳng cấp cao nhất trong 5 cấp độ của việc học hỏi. Hãy học và chia sẻ. Để duy trì được hiệu quả trong công việc, bộ não phải luôn hoạt động. Và muốn bộ não hoạt động hiệu quả nhất, không gì bằng dành thời gian để học hỏi mỗi ngày. Tôi sẽ khép lại nội dung tư duy học hỏi với 5 cấp độ của việc học kiến thức.

  • Cấp độ 1: Biết
  • Cấp độ 2: Hiểu
  • Cấp độ 3: Vận dụng thành thạo
  • Cấp độ 4: Dạy và hướng dẫn được cho người khác
  • Cấp độ 5: Sáng tạo cái mới.

Kiến thức sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ dừng lại ở “Biết”.

 

(Nguồn tham khảo sách “Tư duy – Kiến thức – Nguyên tắc để quản lý dự án thành công”)

Ý kiến (1)