Hãy xem trọng một câu hỏi đúng hơn một câu trả lời đúng.
Là quản lý hoặc lãnh đạo của một tổ chức, có bao giờ bạn bị rơi vào tình trạng mà trong một cuộc họp chỉ có một mình bạn nói còn cấp dưới im lặng không? Có bao giờ bạn tự hỏi “Tại sao nhân viên của mình thường không đưa ra ý kiến gì trong các cuộc họp?”. Chẳng lẽ họ thích nguyên tắc “im lặng là vàng” hay “im lặng là an toàn”.
Có thể có rất nhiều nguyên nhân, có thể do họ thiếu năng lực, có thể do bạn thiếu kỹ năng lãnh đạo… Một trong những nguyên nhân lớn nhất trong số đó là do bạn giao tiếp kém. Và cụ thể là bạn đã dùng sai phương pháp. Bạn độc thoại trong cuộc họp, bạn đưa mình trở thành trung tâm của cuộc họp, bạn muốn nhân viên hỏi để bạn trả lời. Bạn đã chọn cách dễ nhất đối với bạn nhưng lại khó cho nhân viên.
Tại sao bạn không thử đặt ra câu hỏi cho nhân viên để họ suy nghĩ đưa ra các ý kiến, khiến họ cảm nhận được rằng “Chính họ mới là trung tâm của cuộc họp”. Đặt câu hỏi cho họ trả lời thay vì áp đặt ý kiến cá nhân của bạn và yêu cầu mọi người thực hiện theo. Việc này giúp họ có cảm giác là một phần của công việc và tinh thần trách nhiệm sẽ nâng cao hơn.
Người lãnh đạo xuất sắc là người biết đặt các câu hỏi đúng cho nhân viên, giúp họ bộ lộc năng lực tốt hơn.
“Chúng ta chẳng thể dạy ai điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ tự nhận thức từ chính bản thân họ mà thôi” (Galileo Galilei)
Nhiệm vụ của bạn là đặt câu hỏi đúng cho nhân viên, họ sẽ tự nhận thức thông qua việc trả lời câu hỏi của bạn, họ sẽ có nhìn rõ hơn về vấn đề và hành động. Một khi nhận thức của họ được thông suốt hành vi của họ cũng thay đổi theo.
“Học vấn” có nghĩa là học thông qua “vấn đáp”, cứ hỏi đi rồi bạn sẽ trở nên thông thái(Takewahei)
Khi bạn “lên lớp” người khác, nghĩa là bạn đang cướp đi cơ hội được “tự nhận thức” của họ. Bạn đặt câu hỏi cho họ, họ trả lời họ hành động, sẽ giúp họ trở nên chủ động hơn.
Hãy trang bị cho bản thân những “câu hỏi đúng”. Bởi câu hỏi đúng là câu hỏi mà việc cố gắng tìm ra câu trả lời giúp bạn hoặc người khác trưởng thành hơn trong việc “nhận thức thế giới” và “tự nhận thức”.
Hãy xem trọng một câu hỏi đúng hơn một câu trả lời đúng, nó quan trọng để giúp tổ chức của bạn trở nên gắn kết và phát triển. Đặt câu hỏi đúng còn quan trọng hơn khi bạn biết đặt câu hỏi đúng cho chính bản thân mình.
Khi gặp một tình huống không may xảy ra, chúng ta thường tự đặt câu hỏi là “Tại sao mình gặp toàn chuyện không may?” . Đó là ví dụ về một câu hỏi sai. Nếu bạn hay tự hỏi mình những câu này thì suy nghĩ của bạn khá tiêu cực, nó chỉ làm hại bạn, nó làm bạn thiếu tự tin, bạn khó mà phát triển. Và bạn có thể sửa chữa ngay từ bây giờ. Hãy suy nghĩ những câu hỏi đúng hơn giúp mình có nhiều động lực hơn để phát triển. Một ví dụ về câu hỏi đúng cho trường hợp này nên là “Mình nên thay đổi gì để lần sau tốt hơn?”. Ngoài ra bạn hoàn toàn có thể đặt ra nhiều câu hỏi đúng mang những giá trị tích cực hơn
Ý kiến