Agile Mindset và Cuộc cách mạng Agile trong các doanh nghiệp
MINDSET LÀ GÌ?
“Mindset” được ghép bởi “mind” (nghĩa là tâm trí, triết lý) và “set” (bộ hoặc hệ thống). Mindset có nghĩa đơn giản là bộ triết lý, bộ giá trị, bộ tư tưởng, hệ thống những niềm tin định hướng cách chúng ta nhìn nhận, nhận thức và đối mặt với các tình huống trong công việc và đời sống.
AGILE LÀ GÌ?
Trên trang chủ của Agile, đã định nghĩa như sau : “Agile is the ability to create and respond to change. It is a way of dealing with, and ultimately succeeding in, an uncertain and turbulent environment.”
Dịch nghĩa: Agile là khả năng ứng phó với sự thay đổi. Đó là một cách để mang lại sự thành công trong một môi trường không chắc chắn và đầy biến động.
Tôi đưa ra định nghĩa tiếng Anh ở đây chỉ muốn nhấn mạnh từ khoá cơ bản nhất và quan trọng nhất khi nói về Agile Mindset đó là “respond to change”. Đó là từ khoá quan trọng nhất, và nó gần như nói lên tất cả bản chất của Agile Mindset. Không phải là “phản ứng” với sự thay đổi mà chính xác là “ứng phó” với những đổi thay không ngừng của cuộc sống.
NHIỀU NGƯỜI CÓ PHẢN ỨNG VỚI SỰ THAY ĐỔI
Hầu hết mọi người đều có xu hướng phản ứng và chống lại sự thay đổi, ngay cả việc thay đổi yêu cầu của khách hàng. Trong thời gian làm quản lý dự án, tôi nhiều lần nhận thấy các bạn Developer và Tester thường tỏ ra cảm thấy không thoải mái mỗi khi khách hàng thay đổi. Có lần khách hàng của tôi yêu cầu thay đổi cái ảnh giới thiệu sản phẩm ở màn hình đầu tiên mỗi khi vào ứng dụng đến lần thứ 3. Thế là một số bạn lên tiếng “lại change request”, “lại thay đổi”.
Đây là ví dụ rất nhỏ, nhưng tôi dám chắc là hầu hết các bạn rất hay gặp phải những câu nói như vậy trong dự án và thậm chí cả trong cuộc sống của mình. Bởi xu hướng chung là mọi người muốn hạn chế thay đổi.
Mỗi lần nghe các bạn thành viên trong dự án nói như vậy, tôi luôn cố gắng giải thích cho họ về tư duy linh hoạt, và giải thích cho các bạn hiểu bối cảnh tại sao khách hàng thay đổi. Nếu tự đặt mình ở vị trí của khách hàng, chắc chắn sẽ hiểu được thực ra bản chất khách hàng cũng không muốn thay đổi. Bởi vì, việc thay đổi sẽ làm mất thời gian làm lại, mất công sức của các bên. Nhưng vì nhu cầu người dùng thay đổi, sản phẩm cần phải thay đổi để hấp dẫn cũng như phù hợp hơn với thị trường và mang lại nhiều giá trị nhất cho người dùng nên họ đưa ra yêu cầu thay đổi.
Tư duy linh hoạt giúp chúng ta có thể dễ dàng thích nghi và đối ứng với mọi tình huống và các thay đổi trong dự án và trong cuộc sống. Nó là điều kiện cần thiết đưa dự án đến thành công. Khi có thay đổi, đừng cứng nhắc bảo thủ theo quy tắc cũ, mà cần đón nhận và điều chỉnh cho phù hợp mới mang lại kết quả cao hơn. Đối với ví dụ trên, khách hàng yêu cầu thay đổi chắc chắn là nó có lý do và tầm quan trọng riêng của nó, họ đang rất cần đội dự án thấu hiểu và giúp đỡ họ. Nếu chúng ta giúp được họ những thời điểm quan trọng như vậy thì chúng ta đã tạo ra được rất nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Điều đó làm cho mối quan hệ hai bên khăng khít hơn và độ hài lòng của khách hàng sẽ cao hơn.
LINH HOẠT CÓ PHẢI LÀ ĐỒNG Ý VỚI TẤT CẢ YÊU CẦU THAY ĐỔI?
Câu trả lời là không bạn nhé. Tôi không khuyên bạn là phải luôn đồng ý với tất cả yêu cầu thay đổi của khách hàng. Chúng ta cần linh hoạt đối ứng với thay đổi theo cách phù hợp nhất. Để làm được điều đó, bạn cần bình tĩnh quan sát, tìm hiểu, phân tích và nắm bắt vấn đề chính xác mọi tình huống, hoặc sự cố xảy ra và từ đó tìm được nguyên nhân, giải pháp để giải quyết một cách phù hợp nhất. Tìm hiểu và nắm bắt đúng vấn đề, đưa ra quyết định một cách quyết đoán và giải quyết vấn đề nhanh chóng, ổn thỏa. Tuyệt đối không bảo thủ, không quyết định vội vàng khi chưa hiểu rõ vấn đề. Cố gắng để hiểu tổng thể tình hình, hiểu bối cảnh, lý do, nguyên nhân sau đó ra quyết định đối ứng.
LINH HOẠT KHÔNG NÊN QUÁ CẦU TOÀN
Chúng ta đều biết là “nhân vô thập toàn”, cầu toàn quá làm cho khả năng thích ứng bị kém đi khi mà bị bó buộc trong các quy tắc cứng nhắc. Tư duy linh hoạt sẽ giúp cho tăng khả năng phản ứng nhanh, nắm bắt được nhiều cơ hội tốt hay cách giải quyết những vấn đề khó khăn xảy ra. Từ đó giúp mọi người rèn luyện được sự nhanh nhạy và sự quyết đoán trong công việc và cuộc sống. Sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng hành động, coi thất bại như những bài học kinh nghiệm để cải tiến và làm tốt hơn.
NGƯỜI CÓ TƯ DUY LINH HOẠT CHIẾM ƯU THẾ HƠN NHỮNG NGƯỜI KHÁC.
Thiếu linh hoạt dễ làm phát sinh tiêu cực, làm cho mọi người trở nên lúng túng hay bối rối, mất tự chủ khi có vấn đề xảy ra, và dần dần sẽ là bạn mất tự tin và trở nên tụt hậu so với người khác. Có tư duy linh hoạt, bạn sẽ rất nhanh nhẹn và chủ động, thích ứng nhanh và xử lý các tình huống nhanh nhạy hơn, nên chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế người những người khác. Trong dự án, tất cả mọi thành viên đều cần có sự linh hoạt. Một dự án mà tất cả các thành viên đều có tư duy linh hoạt sẽ có độ thành công cao hơn rất nhiều.
Đến đây, chúng ta đã thấy rằng Tư duy linh hoạt – Agile Mindset là rất quan trọng và cần thiết trong dự án và cả trong cuộc sống. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về Agile Mindset trong công việc nhé.
SCRUM VÀ AGILE , CÁI NÀO ĐƯỢC RA ĐỜI TRƯỚC?
Trong công việc chúng ta nghe nhiều về Agile, Scrum, XP, Kanban. Thú nhận với bạn là hồi đầu tôi hiểu nhầm Scrum là một mô hình con của Agile nên cứ nghĩ là Agile có trước, Scrum có sau. Nhưng câu trả lời là sai bạn à. Thực tết là Scrum có trước Agile.
Bạn có thấy bất ngờ không, không biết là có bạn nào đã từng hiểu nhầm như tôi không, khi cho rằng Scrum là 1 phần của Agile, nhưng thật ra Scrum, XP, Kanban là các phương pháp phát triển, được ra đời từ sớm bởi nhiều nhóm chuyên gia khác nhau, mục đích là thay thế phương pháp waterfall truyền thống.
ĐIỂM QUA MỘT CHÚT VỀ LƯỢC SỬ CỦA AGILE
1930 – PDCA Cycle
1940 – Kanban
1970 – Waterfall model
1974 – Adaptive Software Development
1991 – Rapid App Development
1993 – Lean Software Development
1995 – Pair Programming
1995 – Scrum
1996 – Lean Thinking
1999 – eXtreme Programming
2001 – Agile
2002 – Test-Driven Development
2003 – Lean Software Development
2006 – Behavior-Driven Development
2007 – Retrospectives
2008 – Clean Code
2009 – Lean Startup
NGUỒN GỐC: AGILE ĐÃ XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Rất nhiều dự án thất bại thảm hại
Trong những năm 1990-1999 của thế kỷ 20, trên thế giới đã xảy ra cuộc khủng hoảng về phương pháp phát triển phần mềm. Các dự án làm theo phương pháp truyền thống thất bại quá nhiều, tỉ lệ thất bại cao. Phương pháp phát triển kiểu thác nước Waterfall truyền thông ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm không phù hợp và không theo kịp được môi trường kinh doanh và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Rất nhiều dự án và sản phẩm mặc dù đã phát triển xong nhưng phát hành quá muộn, độ trễ quá lớn không còn bắt kịp nhu cầu thay đổi của thị trường.
Rất nhiều phương pháp phát triển mới ra đời
Trong giai đoạn đó, nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân riêng lẻ đã phải tự tìm tòi và phát triển những phương pháp khác nhau để thích ứng với tình hình mới. Lần lượt các phương pháp phát triển mới như là Kanban, Rapid, Scrum, Lean, Adaptive, Pair Programming, XP … ra đời.
Những phương pháp riêng lẻ này phần nào đã giải quyết được một số vấn đề, tỉ lệ thành công của các dự án phần mềm đã tăng cao hơn hẳn. Nhưng lại nảy sinh ra những vấn đề khác, đó là về sự chia sẻ, cộng tác, cộng đồng, kỹ thuật, công cụ, sự mở rộng, hướng phát triển … Tất cả các phương pháp hồi đó chỉ là riêng lẻ không có cộng đồng lớn để cùng hỗ trợ nhau.
Tọa đàm hội anh hùng
Do đó, Tháng 2 năm 2001, 17 chuyên gia là những người đại diện cho những phương pháp phát triển mới (bao gồm Scrum, Kanban, XP, TDD, Crystal …) đã gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Snowbird, Utah, USA. Họ đã thảo luận với nhau suốt 2 ngày, sau đó họ đã đi đến thống nhất về quan điểm chung giữa các phương pháp và cho ra đời một tài liệu được gọi là: Tuyên ngôn Agile (Agile Manifesto) bao gồm 4 giá trị của Agile và có kèm với 12 nguyên tắc Agile (Agile Principles) phía sau.
Đây chính là thời điểm mà thuật ngữ Agile ra đời và được sử dụng đến hiện nay. Trước khi có Agile, người ta thường gọi chung chung các phương pháp của họ là “phương pháp nhẹ nhàng” (Lightweight Methods)
Linh hoạt để thành công
Agile đã ra đời như vậy. Agile không phải là framework, không phải là quy trình, không phải là phương pháp. Agile là văn hoá, là bộ triết lý, là bộ giá trị và nguyên tắc, là bộ tư duy (mindset) là trạng thái để ứng phó với sự thay đổi đầy biến động của thế giới hiện tại.
“AGILE” ĐÃ TRỞ THÀNH NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG
Các tác giả của Tuyên ngôn Agile đã chọn “Agile” làm nhãn hiệu cho toàn bộ ý tưởng này bởi vì keyword đó thể hiện khả năng thích ứng và phản ứng với sự thay đổi vốn rất quan trọng đối với cách tiếp cận của họ. Đó thực sự là việc suy nghĩ về cách bạn có thể hiểu những gì đang diễn ra trong môi trường sống hiện nay. Bạn cần xác định những gì bạn đang gặp phải và linh hoạt tìm ra cách bạn có thể thích ứng với điều đó khi bạn tiếp tục. Ngày nay, Agile đã trở thành nhãn hiệu mà gần như ai ai cũng biết tới.
Agile Mindset tập trung vào “Being Agile” làm nền tảng để giúp mọi người có thể thành công trong công việc và cuộc sống. Agile Mindset được xác định bởi bốn giá trị và được mô tả bởi mười hai nguyên tắc của Tuyên ngôn Agile, và sau đó được thể hiện thông qua một số lượng không giới hạn các thực hành và các cách làm việc khác nhau.
TUYÊN NGÔN AGILE:
Bằng việc thực hiện 4 điều dưới đây và giúp những người khác thực hiện 4 điều này, chúng ta tạo ra giá trị:
Cá nhân và sự tương tác quan trọng hơn quy trình và công cụ
Phần mềm chạy tốt quan trọng hơn tài liệu đầy đủ
Cộng tác với khách hàng quan trọng hơn đàm phán hợp đồng
Phản hồi với sự thay đổi quan trọng hơn bám theo kế hoạch
Các mục ở vế bên phải đều có giá trị, nhưng chúng tôi đánh giá cao hơn các mục ở vế bên trái.
12 NGUYÊN TẮC AGILE
1) Sự hài lòng khách hàng được đặt lên hàng đầu
2) Sẵn sàng đón nhận yêu cầu thay đổi
3) Gia tăng giá trị nhỏ nhưng thường xuyên
4) Thân thiết và hợp tác với khách hàng hàng ngày
5) Các thành viên trong nhóm tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau
6) Làm việc cùng một nơi và tương tác thường xuyên
7) Phần mềm chạy tốt là thước đo chính của tiến độ dự án.
8) Duy trì năng suất ổn định và liên tục
9) Liên tục cập nhật cải tiến công nghệ và thiết kế
10) Tối ưu hóa quy trình và loại bỏ công việc lãng phí
11) Đội dự án là đội nhóm tự tổ chức
12) Đều đặn đánh giá và không ngừng cải tiến để hiệu quả hơn.
CUỘC CÁCH MẠNG AGILE
Lịch sử đã chứng minh rất nhiều doanh nghiệp phát triển liên tục, lớn dần, trở thành những doanh nghiệp lớn, những bộ máy khổng lồ, nhưng chậm chạp trong việc thay đổi, khi mà doanh nghiệp không còn linh hoạt trong một thế giới ngày càng biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, thì doanh nghiệp mất khả năng cạnh tranh, dần dần lụi bại và phá sản.
Agile ban đầu được tạo nên cho ngành phát triển phần mềm từ năm 2001, để giúp cho việc sắp xếp và cải tiến quá trình sản xuất. Ngày nay, Agile đã trở thành một phong trào toàn cầu rộng lớn đang biến đổi thế giới công việc. Trở thành cuộc cách mạng quản trị theo phong cách Agile. Cuộc cách mạng quản lý Agile đang thay đổi cách thức làm việc trên toàn thế giới.
Cuộc cách mạng Agile hiện đang lan rộng nhanh chóng, dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau, tới toàn bộ các bộ phận và các dạng tổ chức khác nhau. Trong đó bao gồm 5 tổ chức lớn nhất và phát triển nhanh nhất hành tinh đó là Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft. Điều đó đã được công nhận vào năm 2016, trong bài báo “Embracing Agile” trên Harvard Business Review.
Hiện nay, Agile là tư duy quản lý và phát triển doanh nghiệp linh hoạt. Quá trình chuyển đổi trở thành Being Agile này giúp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Áp dụng Agile không phải là ghi lại quá trình hoặc chia nhỏ doanh nghiệp thành các phần có thể mở rộng. Nó nói về việc thay đổi văn hóa và mindset của tổ chức, khiến mọi người có động lực để có được kết quả thực sự. Điều này mang lại kết quả cuối cùng tốt nhất cho tất cả mọi người và cả tổ chức. Phương pháp luận Agile — liên quan đến các giá trị, nguyên tắc, thực tiễn và lợi ích mới và là một giải pháp thay thế triệt để cho quản lý theo phong cách chỉ huy và kiểm soát. Phong cách Agile đang ngày càng lan rộng trên nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp hơn.
LÀM SAO ĐỂ ĐẠT TRẠNG THÁI AGILE (BEING AGILE)
“Mọi thay đổi đều bắt đầu từ con người, chứ không phải từ các quy trình.”
Để hướng tới Agile Organization thành công thì các thành viên trong tổ chức đó không thể thiếu Agile Mindset. Điều kiện tiên quyết là mỗi cá nhân trong tổ chức đó cần có Agile Mindset.
1) TỪNG CÁ NHÂN (AGILE MINDSET)
– Cá nhân có tư duy cầu tiến (Nội dung chi tiết của growth mindset tham khảo cuối bài này)
– Suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống, bình tĩnh và bản lĩnh khi đối mặt với khó khăn.
– Tin tưởng đồng đội và những người xung quanh, tin tưởng vào tổ chức
– Cá nhân có khả năng “tự tạo động lực”, thích nghi và hoà đồng
– Tự chủ trong công việc & quan tâm đến công việc
– Luôn luôn chủ động lắng nghe, chủ động đưa ý kiến và chủ động hành động
– Tự đưa ra những nấc thang khó hơn cho bản thân để phát triển
– Sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho người khác
– Thoải mái đón nhận các phản hồi hoặc ý kiến mang tính xây dựng, nhưng trái chiều
– “If You Change Nothing, Nothing Will Change”
2) TỪNG ĐỘI NHÓM (AGILE TEAM)
– Team coi problem, incident là một bài học kinh nghiệm
– Hoan nghênh sự đa dạng tính cách của những thành viên trong nhóm
– Thành viên trong Team gắn kết và thân thiết với nhau.
– Từng thành viên trong nhóm có động lực và niềm vui trong công việc
– Team có tốc độ làm việc ổn định và bền vững
– Team luôn sẵn sàng đón nhận yêu cầu thay đổi
– Luồng thông tin trong Team luôn được thông suốt
– Team có mật độ giao tiếp và tương tác cao.
– Có nhiều hoạt động chia sẻ kiến thức trong nhóm
– “Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta.”
– Thay thế “cái tôi” bằng “chúng ta”
3) TỔ CHỨC (AGILE ORGANIZATION)
– Transparency at all level: Phát triển truyền thông để thông tin thông suốt từ trên xuống dưới. Truyền thông thật rõ ràng tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, mục đích và ý nghĩa của mỗi công việc. Chia sẻ về tình hình kinh doanh, kế hoạch, các khó khăn và các cản trở cho sự phát triển của tổ chức.
– Tập trung vào việc đào tạo và phát triển con người xây dựng văn hóa học tập trong tổ chức
– Không gọi con người là “Resource” mà là những con người sáng tạo giá trị “Creator”
– Có nhiều hoạt động nâng cao sự gắn kết và hợp tác của nhân viên
– Tạo điều kiện để mỗi nhân viên hướng tới Being Agile (thấm nhuần Agile Mindset)
– Xây dựng đội ngũ Agile Coach để tư vấn và hướng dẫn các đội nhóm trở thành Agile Team
– Phương châm tuyển dụng: Tuyển thái độ – đào tạo kỹ năng
– Loại bỏ cấu trúc tầng lớp làm chậm luồng thông tin trong tổ chức, làm chậm quá trình ra quyết định khi đối mặt với thách thức. Chuyển từ mô hình “bộ máy” hoặc tháp nhiều tầng sang mô hình mạng lưới phân bổ thành các team tự quản.
– Lãnh đạo có tư tưởng phục vụ và tạo điều kiện phát triển cho nhân viên (“Servant Leadership”). Huấn luyện các quản lý và lãnh đạo theo phong cách chia sẻ (về thông tin, quyền lực, nguồn lực) và phong cách lãnh đạo phụng sự.
– Lãnh đạo cần chủ động di chuyển và gặp gỡ thường xuyên các thành viên thay vì ngồi yên một chỗ.
– Chuyển từ phong cách topdown chỉ huy, chỉ dẫn, kiểm soát sang phong cách truyền cảm hứng, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo ra giá trị.
– Chuyển từ nền văn hóa micromanagement – giám sát sát sao con người sang nền văn hóa của sự tin tưởng lẫn nhau và nuôi dưỡng sự tự quản và sự tự chủ cho nhân viên.
– Chú trọng xây dựng hệ thống đánh giá thành tích và phản hồi tức thời.
– Giảm hệ thống phân cấp bậc vị trí quyền hạn sang hệ thống cấp bậc năng lực
– Xây dựng môi trường đề cao sự sáng tạo và tạo ra giá trị
PHẦN MỞ RỘNG
BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI CÓ AGILE MINDSET
TRONG DỰ ÁN
– Khi có yêu cầu thay đổi, họ linh hoạt trong việc tiếp nhận.
– Khi thấy một quy trình trong dự án không hợp, họ linh hoạt đề xuất và cải tiến quy trình
– Linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch ưu tiên giá trị của sản phẩm
– Linh hoạt hơn trong việc phân phối sản phẩm đến người sử dụng.
– Linh hoạt trong việc đàm phán thuyết phục và trao đổi với các bên liên quan
– Linh hoạt trong việc xử lý các tình huống xẩy ra trong dự án
– Luôn cải tiến liên tục mà không làm gián đoạn quá trình phát triển
TRONG CUỘC SỐNG
– Họ luôn học hỏi, khám phá và phát triển hàng ngày
– Sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho người khác
– Coi thất bại là cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân
– Linh hoạt và khéo léo giao tiếp với mọi người xung quanh
– Họ thường đề cao kết quả hơn quá trình
– Thoái mái đón nhận các phản hồi hoặc ý kiến mang tính xây dựng nhưng trái chiều
– Họ có cách nhìn đa chiều, và luôn tôn trọng tính cách đa dạng của mọi người trong tập thể
– Luôn bình tĩnh quan sát, tìm hiểu, phân tích và nắm bắt chính xác vấn đề và tình huống sau đó đưa ra quyết định phù hợp.
– Họ không bảo thủ và cũng không quyết định vội vàng khi chưa hiểu rõ vấn đề.
– Họ luôn chủ động, tập trung và thường là người giải quyết được nhiều tình huống trong dự án và cuộc sống
– Khi đối mặt với khó khăn, người có Agile mindset sẽ không chùn bước, họ tìm hiểu và phân tích vấn đề, nỗ lực bền bì và kiên trì vượt qua khó khăn trong khi những người khác sẽ dễ bỏ cuộc.
2 trạng thái của Agile
Nhiều các cá nhân, thậm chí là doanh nghiệp đang hiểu chưa chính xác về Being Agile. Có người cho rằng dự án của họ đang triển khai theo phương pháp Scrum, như vậy tức là Being Agile, có người cho rằng họ đang thực hiện kiểu cuốn chiếu, tức là Agile. Không phải vậy, đó mới chỉ là bắt đầu apply Agile trong quy trình dự án đó mới chỉ là DOING AGILE. Bản chất của Agile lớn hơn nhiều, Agile là lớn hơn một quy trình, Agile là lớn hơn một phương pháp,Agile là văn hoá, là trạng thái, là bộ tư duy, là mindset.
TRẠNG THÁI DOING AGILE
Áp dụng các công cụ, các mô hình và các phương pháp của Agile trong việc phát triển dự án, ví dụ như:
– Quản lý công việc bằng backlog
– Họp daily meeting hàng ngày
– Cuốn chiếu theo từng sprint
– Họp cải tiến sau mỗi sprint
– Áp dụng các mô hình Scrum, Kanban…
TRẠNG THÁI BEING AGILE
Agile liên quan đến con người chứ không phải là quy trình, biểu hiện chính là sự chủ động, linh hoạt, minh bạch, hợp tác và phản ứng nhanh của mỗi người. Để đạt được trạng thái này chúng ta cần phải thấm nhuần bộ niềm tin của Agile Mindset
1) Niềm tin sự thay đổi là lẽ tự nhiên (Welcome change)
Chỉ có sự thay đổi là thứ duy nhất không thay đổi. Chúng ta hiểu rằng, thời đại ngày nay là thế giới đa chiều còn gọi là VUCA (Volatility – Uncertainty – Complexity – Ambiguity). Thế giới đang thay đổi từng ngày, thị trường luôn biến động, nhu cầu con người luôn tăng cao, thông tin ngày càng tràn ngập, công nghệ phát triển từng ngày, xã hội xung quanh chúng ta luôn thay đổi và ngày càng không có gì là chắc chắn. Do đó, yêu cầu cao về khả năng thích ứng. Có nhiều vấn đề không thể đưa ra giải pháp cuối cùng ngay từ đầu, tư duy bằng cách cố gắng giải quyết từng vấn đề nhỏ trong đó, chúng ta sẽ giải quyết được nó. Trong môi trường hiện tại cần đón nhận thay đổi, sẵn sàng thay đổi, và tìm kiếm sự thay đổi.
2) Niềm tin vào đồng đội và sự tự tổ chức (Trust & Self-Organizing)
Các cá nhân đều độc lập nhưng mọi người phụ thuộc và tương hỗ lẫn nhau. Cần tôn trọng sự đa dạng và ý kiến khác biệt, đề cao sự hoà nhập, coi trọng sự tương tác, tin tưởng lẫn nhau sẽ giúp mọi người có lòng tin có động lực và có sự tổ chức. Niềm tin rằng mỗi người sẽ tự quản lý công việc của mà không có sự kiểm soát ở bên ngoài và tổ chức sẻ tin tưởng giao trách nhiệm cho nhóm tự tổ chức.
3) Niềm tin chủ động phát triển sẽ thành công (Proactive & Growth mindset)
Những người có growth mindset tin rằng, họ có khả năng học hỏi, rèn luyện và phát triển năng lực của bản thân. Họ không ngừng học hỏi, tìm kiếm trải nghiệm, phát triển tư duy, mở rộng kiến thực, nâng cao năng lực để là một phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Luôn chủ động phát triển bản thân, cải tiến cách làm và hướng đến điều tốt hơn, coi thử thách là cơ hội để học hỏi.
Cuối cùng chúng ta có thể tóm tắt,
Agile mindset = Welcome change + Growth mindset + Proactive + Trust + Self-organize
Ý kiến (3)